4 Chiến thuật tăng lượng khách hàng tiềm năng – Adam Khoo

Bài viết dựa trên cuốn sách Bí quyết tay trắng thành triệu phú – Adam khoo.

Việc đầu tiên mà bất kỳ công ty nào cũng phải làm nếu muốn tăng doanh thu và lợi nhuận là phải tạo thêm nhiều khách hàng tiềm năng. Càng có nhiều khách hàng tiềm năng, càng có lắm cơ hội bán hàng.

Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để “kích” yếu tố khách hàng tiềm năng lên chính là quảng cáo. Vậy điều gì cản trở phần lớn công ty trong khâu quảng cáo? Thông thường, các công ty nhỏ cho rằng quảng cáo “cứa” đi của họ một khoản tiền quá cao.

Thực chất, quảng cáo là đầu tư hay chi phí? Trước khi đọc tiếp, tôi muốn bạn trả lời câu hỏi này.

Đối với bạn, quảng cáo là ……………………..

Quảng cáo là đầu tư hay chi phí?

Nhiều người, kể cả các chuyên gia tiếp thị, kế toán, nhà quản lý đều xem quảng cáo là chi phí. Bởi vì đó là những điều chúng ta học được trong các khóa tiếp thị, quản lý và kế toán. Nhiều sách dạy rằng công ty nên dành khoảng 10% ngân sách cho quảng cáo và khuyến mãi.

Cá nhân tôi tin rằng đây là một lời khuyên ngu ngốc. Gắn số tiền quảng cáo vào doanh thu của tháng trước hoặc năm trước là một việc làm vô lý, bởi vì điều đó có nghĩa là nếu doanh thu giảm, bạn phải cắt bớt tiền quảng cáo. Số tiền cho quảng cáo bị giảm sẽ trực tiếp làm giảm lượng khách hàng tiềm năng, kéo theo doanh thu sụt giảm hơn nữa. Khi doanh thu xuống thấp, có nghĩa là bạn cần tăng cường sự hiện diện của công ty mình, để nhiều người biết đến bạn hơn; tức là bạn phải tăng tiền cho quảng cáo.

Quan niệm của các bậc thầy tiếp thị về quảng cáo

Các chuyên gia tiếp thị xếp quảng cáo vào hạng mục đầu tư hay chi phí? Câu trả lời còn tùy… vào từng trường hợp.

Khi mẫu quảng cáo không đem lại hiệu quả mong muốn, nó là chi phí. Ví dụ, nếu bạn chi cho quảng cáo trên báo một khoản là 1.000 đô. Nhờ vậy mà bạn thu hút được 60 người vào cửa hàng, trong đó có 9 người mua, chi trung bình khoảng 80 đô cho một lần mua hàng. Giả sử mỗi món hàng bạn tốn 30 đô để sản xuất, số tiền lời bạn kiếm được là (80 đô – 30 đô) x 9 = 450 đô.

Bỏ ra 1.000 đô cho quảng cáo mà chỉ đem về cho công ty 450 đô, tức là lỗ 550 đô. Trong trường hợp này, quảng cáo là chi phí!

Với phần lớn công ty mà tôi biết, quảng cáo là chi phí vì nó không hiệu quả. Tệ hại hơn, phần lớn công ty thậm chí bỏ qua khâu đánh giá hiệu quả của quảng cáo. Họ không biết có bao nhiêu khách hàng tiềm năng nhờ mẫu quảng cáo mà tìm đến họ, hay họ kiếm được bao nhiêu tiền lời từ quảng cáo đó.

Tuy vậy, nếu sử dụng các kênh quảng cáo một cách hiệu quả và quan tâm đến việc đo lường kết quả thì quảng cáo trở thành đầu tư. Khi bạn biết cách viết những mẫu quảng cáo nặng ký và đưa chúng vào đúng “kênh” thì bạn có thể kéo về phía mình nhiều khách hàng tiềm năng hơn, trong cùng một số tiền bỏ ra.

Giả sử, với một chiến lược đúng đắn, mẫu quảng cáo 1.000 đô của bạn có thể thu hút 240 khách bước vào cửa hàng (cao gấp 4 lần so với quảng cáo trước). Trong số 240 người này có 36 người mua hàng với số tiền trung bình là 80 đô/người.

Như vậy, tiền lời kiếm được nhờ quảng cáo là (80 đô – 30 đô) x 36 = 1.800 đô. Sau khi trừ 1.000 đô cho quảng cáo, bạn vẫn còn được 800 đô, với tỉ lệ 80% lợi nhuận. Rõ ràng trong trường hợp này, quảng cáo là đầu tư.

Cho phép tôi hỏi câu này, nếu đầu tư 1.000 đô mà có được 1.800 đô, bạn sẽ vui lòng bỏ ra 1.000 đô bao nhiêu lần? Nói cách khác, nếu có được 1,8 đô cho mỗi 1 đô đầu tư, bạn sẽ đầu tư bao nhiêu tờ 1 đô? Câu hỏi có lẽ hơi ngớ ngẩn! Tôi tin rằng bạn sẽ bỏ càng nhiều tiền đầu tư càng tốt!

Tất nhiên cái gì cũng phải có điểm dừng. Chi 1.000 đô cho cùng một mẫu quảng cáo sẽ không cho bạn 1.800 đô dài dài. Sau một thời gian, mẫu quảng cáo đó sẽ mất dần tác dụng, vì người ta thấy nó quá nhàm và lợi nhuận sẽ giảm. Vậy chuyên gia tiếp thị làm gì? Họ liên tục thử nghiệm những mẫu quảng cáo mới và những chương trình khuyến mãi mới khiến cho việc đầu tư vào quảng cáo luôn mang lại kết quả cao và tích cực.

Chi phí có được khách hàng: Bí quyết “mua” khách hàng

Có một khái niệm quan trọng mà bạn cần nắm rõ khi làm chủ công ty là bạn phải “mua” khách hàng. Đúng vậy, bạn phải tốn tiền để có được khách hàng mới! Chi phí có được khách hàng là chi phí mua một khách hàng mới.

Hãy xem lại ví dụ trước để biết chi phí có được khách hàng là bao nhiêu. Bạn mất 1.000 đô để có 240 người đến cửa hàng, rồi biến 36 người trong số đó thành khách hàng. Nói cách khác, bạn phải bỏ ra 1.000 đô để “mua” 36 khách hàng mới. Chi phí có được khách hàng là 1.000 đô/36 = 27,78 đô một khách hàng.

Chừng nào lợi nhuận gộp kiếm được cao hơn chi phí có được khách hàng thì bạn vẫn nên bỏ tiền “mua” thêm khách hàng. Trong trường hợp này, bạn tốn 27,78 đô để mua một khách hàng mới, đem lại cho bạn phần lợi nhuận là 50 đô.

Đây là một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ trong kinh doanh: không phải về việc bán sản phẩm hay dịch vụ (kiểu truyền thống) mà là “mua” khách hàng với giá thấp hơn lợi nhuận mà họ mang lại cho bạn.

Một doanh nhân khôn ngoan không phải lúc nào cũng chăm chăm nghĩ đến lợi nhuận có được từ khách hàng ngay ở lần bán hàng đầu tiên. Bạn cần nghĩ đến lợi nhuận lâu dài và quan tâm đến việc tạo dựng cơ sở khách hàng trung thành để họ tiếp tục chi tiền cho bạn. Sau khi dành thời gian, tiền bạc và nỗ lực để “mua” khách hàng mới, bạn nên nhìn vào tổng số tiền mà bạn sẽ kiếm được từ kết quả của việc họ mua hàng của bạn suốt đời. Đây chính là giá trị cả đời của khách hàng.

Quay lại ví dụ trên, bạn đừng nghĩ vội về số tiền lãi gộp 50 đô mà bạn kiếm được từ lần mua đầu tiên của khách. Hãy nghĩ rằng cứ sau ba tháng, vị “thượng đế” này có thể sẽ mua một món hàng mới của bạn. Với tư cách là một khách hàng trung thành, người này sẽ chi cho bạn tổng cộng 200 đô trong một năm và 400 đô trong hai năm. Và như vậy, chẳng phải “mua” một khách hàng giá trị suốt đời với giá 27,78 đô là lời quá hay sao?

Công ty của bạn sinh lợi khi lợi nhuận gộp kiếm được từ lần mua đầu tiên của khách hàng lớn hơn chi phí có được từ khách hàng.

Khi chú trọng vào giá trị suốt đời của khách hàng, việc đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

CHIẾN THUẬT TĂNG LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG 1: VIẾT QUẢNG CÁO THU HÚT HÀNG NGÀN SỰ HƯỞNG ỨNG VÀ HÀNG TRIỆU ĐÔ DOANH THU MỖI NĂM

Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để bắt đầu tăng lượng khách hàng tiềm năng là quảng cáo trên báo, tạp chí, bản tin, email cũng như các trang web, áp phích ngoài trời, quảng cáo trên xe buýt, radio và thậm chí trên tivi.

Làm thế nào để viết các mẫu quảng cáo hiệu quả mang lại lợi nhuận cao? Có hai bước cơ bản.

Bước 1: Hiểu rõ tâm lý khách hàng

Trước khi viết bất kỳ mẫu quảng cáo nào cho báo, áp phích, tờ rơi hay email…, bạn cần nắm được tâm lý của thị trường mục tiêu mà bạn đang nhắm tới. Điều làm cho giới trẻ say mê rõ ràng rất khác với những gì hấp dẫn các bà nội trợ. Khi bạn hiểu rõ họ nghĩ gì, bạn có thể bán cho họ theo cách họ muốn. Có hai điều mà bạn cần hiểu về tâm lý thị trường mục tiêu. Thứ nhất, bạn cần phải hiểu vấn đề/nỗi đau/nỗi bức xúc/nỗi sợ lớn nhất của khách hàng và thứ hai là mong ước và mục tiêu lớn nhất của họ.

Hiểu rõ nhu cầu tâm lý của thị trường mục tiêu, tức là hiểu:

1) Vấn đề/nỗi đau/nỗi bức xúc/nỗi sợ lớn nhất của họ là gì?

2) Mong ước và mục tiêu lớn nhất của họ là gì?

Bây giờ, bạn hãy nghĩ về một trong những sản phẩm/dịch vụ chính mà công ty bạn cung cấp. Hãy điền vào cột đầu tiên trong bảng dưới đây những vấn đề, nỗi đau, nỗi sợ của thị trường mục tiêu của bạn. Trong cột kế tiếp, hãy viết ra những nỗi bức xúc mà khách hàng đang gặp phải khi sử dụng sản phẩm của đối thủ (ví dụ: quá mắc, quá phức tạp, kết quả kém, quá chậm v.v…). Cuối cùng, viết ra mong ước và mục tiêu lớn nhất của khách hàng; họ muốn nhận được những lợi ích gì?

Vấn đề/nỗi đau/nỗi sợ lớn nhất

Nỗi bức xúc lớn nhất

Mong ước và mục tiêu lớn nhất

Bước 2: Biết rõ lợi thế cạnh tranh độc đáo của mình

Một khi nắm được nhu cầu tâm lý của thị trường mục tiêu, bạn cần hiểu rõ lợi thế cạnh tranh độc đáo của sản phẩm/dịch vụ của mình là gì.

Lợi thế cạnh tranh độc đáo của một sản phẩm/dịch vụ là điểm quan trọng nhất làm cho nó hơn hẳn đối thủ. Và đó cũng chính là khả năng giúp khách hàng giải quyết vấn đề/nỗi đau/nỗi bức xúc để đạt được mong ước/mục tiêu của mình.

Thường thì sản phẩm của bạn sẽ có nhiều lợi ích, nhưng bạn cần tập trung khai thác triệt để lợi ích nào? Có phải đó chính là lợi ích mà khách hàng đánh giá cao nhất? Ví dụ, lợi thế cạnh tranh độc đáo của FedEx là “giao hàng trong vòng 24 tiếng”. Đó là lợi ích chính giúp họ vượt lên trên các đối thủ khác, bởi vì nó giải quyết vấn đề lớn nhất mà khách hàng gặp phải với ngành bưu chính thông thường – hàng được gửi đi trong vòng vài ngày. Mong muốn lớn nhất của khách hàng là ai cũng muốn gói hàng mình sẽ đến tay người nhận sớm nhất có thể, tốt nhất là ngay ngày hôm sau.

Trong khi FedEx lấy “sự nhanh chóng hiệu quả” làm lợi thế cạnh tranh, đối thủ của họ, United Parcel Services (UPS) chọn tập trung vào “độ tin cậy”. Khẩu hiệu của UPS là “Đáng tin như qua tay bạn”. Họ biết rằng một trong những nỗi sợ lớn nhất của khách hàng là bưu phẩm bị mất, thất lạc hay hư hỏng, nên họ xây dựng lợi thế cạnh tranh độc đáo trên cơ sở gạt bỏ nỗi sợ đó.

Bây giờ đến lượt bạn. Hãy nghĩ xem sản phẩm/dịch vụ của bạn hơn hẳn đối thủ ở điểm nào? Nhanh hơn? Hiệu quả hơn? Hấp dẫn hơn? Tiết kiệm tiền hơn? Tạo giá trị cao hơn? Bạn hãy viết ra ba lợi ích độc đáo quan trọng nhất.

Lợi ích 1: …………………………………………………………………

Lợi ích 2: …………………………………………………………………

Lợi ích 3: …………………………………………………………………

Trong ba điểm nêu ra, hãy chọn một lợi ích mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh cao nhất để xoáy sâu trong mẫu quảng cáo của mình. Lợi thế cạnh tranh độc đáo của bạn cần giúp khách hàng giải quyết được vấn đề/nỗi đau lớn nhất và đạt được mục tiêu/mong ước của họ.

CHIẾN THUẬT TĂNG LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG 2: SỨC MẠNH CỦA QUÀ TẶNG

Quảng cáo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất và nhanh chóng nhất để tăng lượng khách hàng tiềm năng cho công ty. Một trong những bí quyết tăng sức hấp dẫn của quảng cáo và làm giảm chi phí có được khách hàng là tặng quà cho khách miễn phí, không ràng buộc gì.

Khoảng sáu năm trước, tôi làm công việc tư vấn về quảng cáo và tiếp thị cho nhiều công ty và học được sức mạnh của quà tặng. Tôi từng tư vấn cho một công ty kinh doanh trong lĩnh vực mang tính cạnh tranh cao là làm đẹp và giảm cân.

Ông chủ thẩm mỹ viện này đã chi 5.000 đô để quảng cáo trên báo và thu hút được 50 khách hàng tiềm năng (gọi điện hỏi thông tin và bước chân vào tiệm). Trong số 50 người này có 10 người quyết định mua gói làm đẹp hay giảm cân. Vậy chi phí có được khách hàng của ông là 5.000 đô/10 = 500 đô/khách hàng.

Trung bình, mỗi khách hàng chi khoảng 500 đô (số tiền mua trung bình), trong khi chi phí cho mỗi sản phẩm là 50 đô, vậy nên ông chủ kiếm được khoản lời: 500 đô – 50 đô = 450 đô mỗi khách hàng.

Mất 500 đô “mua” một khách mới mà chỉ kiếm được lợi nhuận gộp 450 đô, có nghĩa là quảng cáo không hiệu quả vì ông chủ mất 50 đô cho mỗi khách hàng mới bước vào tiệm. Người này bối rối không biết làm thế nào để quảng cáo hiệu quả hơn và nhờ tôi giúp đỡ.

Tôi đề nghị trong mẫu quảng cáo tiếp theo, ông nên viết tiêu đề như sau “Tặng miễn phí một giờ soi da và đo mỡ trị giá 120 đô, chỉ cho 50 người gọi đầu tiên”. Mặc dù dịch vụ miễn phí này có giá 120 đô, công ty chỉ mất khoảng 30 đô (chi phí cho chuyên viên trị liệu và dưỡng phẩm).

Nghe xong, ông hỏi tôi có “bẫy” gì trong đó không. Tôi trả lời rằng chẳng có “bẫy” gì ở đây cả, đúng là ông sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí cho 50 khách hàng tiềm năng đầu tiên. Ông nghĩ tôi bị điên và nói rằng, “Nếu thế thì có đến hàng trăm người lao đến để được làm đẹp miễn phí!”. Tôi đáp, “Thì đó là điều chúng ta cần!”.

Khi khách hàng tới soi da và đo mỡ miễn phí, các chuyên viên của ông sẽ có cơ hội chứng minh cho khách thấy sản phẩm và phương pháp điều trị của tiệm tốt như thế nào và họ có thể giúp khách có làn da đẹp hơn, hình thể thon thả hơn ra sao. Mặc dù không phải khách hàng nào được phục vụ miễn phí cũng sẵn lòng móc hầu bao, nhưng phần lớn sẽ làm như thế! Dù vẫn chưa hết do dự và nghi hoặc, ông đồng ý thử một phen.

Quả như tôi suy tính, chuông điện thoại bắt đầu reng dồn dập. Thay vì nhận được 50 cuộc gọi thông thường, hơn 200 người gọi tới để được soi da và đo mỡ miễn phí. Mặc dù quảng cáo nói chỉ dành cho “50 người gọi đầu tiên” để tạo cảm giác gấp rút và khan hiếm, chúng tôi chấp nhận cả 200 người!

Kết quả, trong số 200 khách hàng tiềm năng, có 35% (70 khách hàng) mua gói làm đẹp hay giảm cân. Vậy chi phí có được khách hàng cho lần quảng cáo này là bao nhiêu?

Tổng đầu tư cho đợt khuyến mãi là 5.000 đô (cho quảng cáo) + (30 đô x 200) (chi phí cho dịch vụ miễn phí) = 11.000 đô.

Với 70 khách hàng mới, chi phí có được khách hàng của ông giảm xuống còn 157 đô (11.000 đô/70).

Quảng cáo này có hiệu quả không? Tất nhiên! Ông chỉ tốn 157 đô để có một khách hàng mới, mang lại lợi nhuận 450 đô. Vị chi, ông kiếm được 293 đô từ mỗi khách hàng mới.

Chiến thuật quà tặng có thể áp dụng cho bất kỳ loại hình công ty nào. Sẽ tốt hơn nếu món quà tặng tạo ra cảm giác có giá trị và phải là thứ mà khách hàng muốn có. Tặng nón hay dù sẽ không hiệu quả.

Sau đây là những ví dụ về quà tặng miễn phí có thể dùng trong nhiều ngành kinh doanh:

– Trung tâm bồi dưỡng tặng đĩa DVD giáo dục và sách

– Luật sư tặng một giờ tư vấn thuế miễn phí

– Công ty tổ chức hội thảo tổ chức một buổi hội thảo miễn phí

– Chỗ sửa xe tặng dịch vụ ráp bánh xe miễn phí

– Tiệm bánh tặng bánh miễn phí (giới hạn một cái bánh cho một khách hàng một ngày)

CHIẾN THUẬT TĂNG LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG 3: QUẢNG CÁO TRUYỀN MIỆNG

Bạn sẽ nghĩ gì nếu tôi nói với bạn rằng chiến thuật tiếp theo mà tôi tham mưu cho ông chủ thẩm mỹ viện kia đã giúp ông ta giảm chi phí có được khách hàng xuống còn 100 đô, trong khi tăng gấp đôi lượng khách hàng tiềm năng trong vòng 6 tháng?

Tôi đã khuyên ông ta thế này: Hãy phát cho mỗi khách hàng hiện hữu một “thẻ giới thiệu” để họ đưa cho bạn bè và gia đình của họ. Với mỗi khách hàng mới mà họ giới thiệu cho tiệm, họ sẽ được biếu không ba tháng thành viên phòng tập thể dục và spa, trị giá 450 đô (thật ra chủ tiệm chỉ mất 100 đô).

Vì phần lớn khách hàng của thẩm mỹ viện đều hài lòng với dịch vụ ở đây, họ nhiệt tình chuyền “thẻ giới thiệu” cho tất cả những người mà họ quen biết. Thế là đôi bên cùng có lợi.

Đây chính là sức mạnh của việc tận dụng kênh quảng cáo truyền miệng để thu hút khách hàng tiềm năng. Điều tuyệt vời nhất của chiến thuật này là, thông thường người ta tin tưởng vào sự giới thiệu của bạn bè hơn là những lời lẽ hay ho trên quảng cáo, vì vậy tỉ lệ thành công cao hơn. Đồng thời, bạn cũng có thể kiểm soát chi phí có được khách hàng bằng cách ấn định trước mức chi phí cho quà tặng.

Tôi dùng chính biện pháp này cho Adam Khoo Learning Centre của chúng tôi. Với mỗi học viên mới mà học viên hiện hữu giới thiệu, họ sẽ được một tháng học miễn phí! Có những học viên chỉ phải trả học phí cho tháng đầu tiên, sau đó không phải trả thêm một đồng nào vì họ “có duyên” trong việc giới thiệu bạn bè tới học! Thế là, lợi anh lợi ả lợi cả đôi bên.

Joe Girard – người được sách kỷ lục thế giới Guinness phong tặng danh hiệu người bán hàng giỏi nhất thế giới – từng nói về quy luật 250. Lý luận của anh thế này, khi đi dự đám cưới ai đó, bạn thường gặp khoảng 250 thực khách. Tới đám ma bạn cũng sẽ gặp khoảng ngần ấy người. Nghĩa là một người trung bình có mối quan hệ với khoảng 250 người khác. Nghĩ mà xem, mỗi khách hàng hiện hữu của bạn có tiềm năng mang lại cho bạn 250 khách hàng khác! Tất cả điều bạn cần làm là khuyến khích họ trở thành kênh quảng cáo đắc lực cho bạn.

Quy luật của Joe Girard thật là một phát hiện đơn giản mà tài tình, cho phép anh đạt kỷ lục bán được 13.001 chiếc xe hơi trong 15 năm hành nghề (trung bình 6 xe một ngày)! Với mỗi người khách mua xe của mình, anh đưa cho họ một chồng 250 danh thiếp có chữ ký của anh và tên của vị khách trên đó. Anh khuyến khích vị khách này đưa danh thiếp cho tất cả những người mà họ quen biết. Với mỗi khách hàng mới mà Joe có được, người giới thiệu sẽ được anh tặng 100 đô tiền hoa hồng.

CHIẾN THUẬT TĂNG LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG 4: TẠO MỐI LIÊN KẾT CHIẾN LƯỢC

Chiến thuật tăng lượng khách hàng tiềm năng cuối cùng là hợp tác với những công ty khác có cùng thị trường mục tiêu. Đó là vì những công ty này đã có sẵn một danh sách khách hàng tiềm năng cho bạn. Thay vì nhảy xuống sông và bắt từng con cá một, bạn chỉ cần đến trại nuôi cá và dùng lưới đánh cả thúng cá lên một lần.

Ví dụ, tôi phát hiện ra rằng đối tượng tham gia chương trình “Khóa học làm giàu” của tôi thường là các chuyên gia, quản lý và giám đốc, có thu nhập trên 4.000 đô một tháng và có ít nhất một thẻ tín dụng hạng cao cấp. Vì vậy, tôi quyết định hợp tác với ngân hàng và công ty thẻ tín dụng.

Biết rằng họ có dữ liệu của hàng ngàn khách hàng tiềm năng của tôi, tôi đề nghị một thỏa thuận. Họ sẽ giới thiệu chương trình “Khóa học làm giàu” của tôi trong email gửi đến khách hàng của họ cùng với bản báo cáo hàng tháng. Với mỗi người đăng ký khóa học, tôi sẽ trả cho công ty thẻ tín dụng hay ngân hàng tiền hoa hồng. Một lần nữa, đôi bên đều có lợi.

Thực tế, không phải lúc nào bạn cũng phải trả tiền hoa hồng. Đôi khi, tặng quà cho khách hàng của đối tác cũng làm họ vui rồi. Như vậy, bạn giúp họ tạo thêm giá trị cho khách hàng của họ, trong khi bạn lại có cơ hội biến khách hàng của họ thành của mình. Ngoài ra, tôi phát hiện rất nhiều học viên đến với chương trình “Thiếu Nhi Siêu Đẳng” và “Tôi Tài Giỏi!” của tôi tham dự rất nhiều lớp dạy kèm.

Thế là tôi quyết định liên kết với một trong những trung tâm dạy thêm hàng đầu Singapore (có khoảng 32 chi nhánh). Mỗi phụ huynh đăng ký cho con họ học tại trung tâm dạy thêm sẽ nhận được nửa ngày huấn luyện miễn phí về nghệ thuật làm cha mẹ do công ty tôi tổ chức. Đối với trung tâm dạy thêm, họ tạo thêm giá trị cho khách hàng, còn chúng tôi lại có thêm nhiều khách hàng tiềm năng!

Hãy nghĩ tới tất cả những công ty liên quan đến ngành nghề của bạn. Nếu bạn điều hành công ty thiết kế nội thất, hãy xem xét khả năng hợp tác với công ty môi giới nhà đất. Nếu bạn làm chủ công ty luật, hãy hợp tác với công ty kế toán hay kiểm toán. Cơ hội thật ra nhiều vô kể!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết cả Trần Thu Hằng, Bài viết trên Hằng dựa vào cuốn sách Bí quyết tay trắng thành triệu phú – Adam khoo. Bạn có thể mua sách giấy tại đây để nhận thêm nhiều giá trị tác giả mang lại nhé.

Chúc bạn thành công!

Trần Thu Hằng!

Trả lời